Tinh thần tự học và sinh viên

Thứ 7 | 20/11/2021 - Lượt xem: 648
TINH THẦN TỰ HỌC VÀ CÁCH XÂY DỰNG TÍNH TỰ HỌC CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN NGỮ TRONG VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ

GV Hướng dẫn: Thầy Thomas Nguyễn Như Danh M.Ed
GV Hỗ trợ: Thầy Justin Đỗ Công Lý

Người thực hiện:

Cô Esther - Văn Như Giang
Cô Alex – Trần Thanh Hiền
Cô Cindy - Phan Thị Kim Hường
Cô Hillary – Trần Thị Sen
Giới thiệu. 2
1.           Tự học. 3
2.           Các nhân tố ảnh hưởng tinh thần tự học của sinh viên không chuyên ngữ.. 5
2.1.      Yếu tố người học – yếu tố bên trong. 5
2.1.1.       Chiến lược và mục tiêu học tập. 5
2.1.2.       Thái độ học tập. 6
2.1.3.       Kỹ năng sử dụng công nghệ. 6
2.2.      Các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài 7
2.2.1.       Giảng viên. 7
2.2.2.       Các khía cạnh xã hội – gia đình và bạn bè. 7
2.2.3.       Môi trường học tập. 8
3.           Cách xây dựng tinh thần tự học cho sinh viên không chuyên ngữ trong việc học ngoại ngữ   8
3.1.      Người học tự chủ trong việc học ngoại ngữ.. 8
3.1.1.       Người học xây dựng chiến lược học tập với mục tiêu rõ ràng và kế hoạch cụ thể. . . 8
3.1.2.       Người học xây dựng thói quen tự học. 9
3.1.3.       Người học nâng cao kỹ năng công nghệ. 9
3.2.      Giảng viên xây dựng tinh thần tự học cho sinh viên. 10
3.3.      Gia đình và bạn bè giúp người học xây dựng tinh thần tự học trong việc học ngoại ngữ   10
3.4.      Tinh thần tự học của sinh viên được phát triển trong một môi trường học tập tốt 11
Kết luận. 11
Tài liệu tham khảo 
12
12
LỜI NGỎ
Mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2021
“Điều gì xảy ra không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta phản ứng với nó.” - Epictetus
Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch cuộc sống của không ít người. Tuy nhiên, nếu khéo tận dụng, khoảng thời gian này cũng là cơ hội tốt để chúng ta phát triển bản thân.
Trên tinh thần ấy, đội ngũ giáo viên Quốc Tế Mỹ đã hoàn thành khóa huấn luyện Viết học thuật kéo dài hơn 2 tháng, với kết quả là những nghiên cứu rất xuất sắc của các thầy cô về chủ đề “Tầm quan trọng của tự học đối với việc học ngôn ngữ và cách thức rèn luyện khả năng tự học”. Hy vọng rằng đây sẽ là một bước tiến mới trong sự nghiệp của quý thầy cô để chúng ta có thể truyền nguồn cảm hứng tự học đến các thế hệ học viên tiếp theo.
Chúng ta có thể khám phá tầm quan trọng của tính tự học dưới nhiều góc độ khác nhau và các bạn sẽ thấy được tính tự học ảnh hưởng thế nào đến việc học ngoại ngữ của thiếu nhi, thiếu niên và sinh viên. Một điều trăn trở chúng ta trong vai trò là giáo viên, phụ huynh và học viên là làm sao có thể xây dựng được tinh thần tự học cho học viên và giúp học viên duy trì được tinh thần đó. Bài nghiên cứu của quý thầy cô Anh ngữ Quốc Tế Mỹ (IAS) sẽ giúp cho quý thầy cô tiếng Anh, quý phụ huynh và các học viên thấy được tầm quan trong của tính tự học và cách thế xây dựng và phát triển nó để đem lại kết quả học tập cao nhất.
Tập sách này được chia thành 3 phần:
Phần 1: Tầm quan trong của tính tự học đối với thiếu nhi và cách thế xây dựng tinh thần tự học này
Phần 2: Đánh giá và phát triển tính tự học nơi học viên thiếu niên
Phần 3 đề cập đến tầm quan trọng của tính tự học trong việc học ngoại ngữ và cách thế xây dựng nó nơi các sinh viên không chuyên Anh
Chúng tôi hy vọng cẩm nang này sẽ đóng góp một phần kiến thức, kinh nghiệm vào lãnh vực Giảng Tiếng Anh như Ngôn Ngữ Thứ Hai (TESOL) đồng thời giúp giáo viên tiếng Anh, quý phụ huynh và học sinh sinh viên trong việc dạy và học tiếng Anh hữu hiệu
Thân ái kính chúc quý vị vạn sự tốt lành
Thomas và Justin
PHẦN 3: TINH THẦN TỰ HỌC VÀ CÁCH XÂY DỰNG TÍNH TỰ HỌC CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN NGỮ TRONG VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ

Giới thiệu

Trong việc dạy và học ngôn ngữ, tính tự học của học sinh luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi nhà giáo dục trong khoảng bốn thập kỷ (Nguyễn, 2009). Trong một nghiên cứu khác của Lê (2018) và Nguyễn & Nguyễn (2020) đồng ý rằng tự giác học tập không phải là một khái niệm mới ngay cả đối với các học sinh không thuộc chuyên ngành ngoại ngữ, nhưng trên thực tế, các học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông lên đại học chưa thực hiện đủ các hoạt động liên quan đến tự học để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình trong suốt cấp đại học.
Ở ngưỡng cửa đại học, năng lực ngoại ngữ trở nên cấp thiết và cần thiết cho cuộc sống tương lai hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều thách thức hơn so với những gì sinh viên thường nghĩ, nhất là với những sinh viên không chuyên ngoại ngữ (Nguyễn & Habók, Năm 2020). Trước hết, xét về hệ thống đánh giá kết quả học tập, việc lựa chọn các môn chuyên ngành hoặc các môn tự chọn để hoàn thành số giờ tín chỉ bắt buộc chắc chắn là điều chưa học sinh nào biết tới. Vậy mà cũng tại thời điểm này, sinh viên đại học chỉ có thể dựa vào bản thân mình hơn là dựa vào bất kỳ nguồn hỗ trợ nào khác. Sự can thiệp của phụ huynh và giáo viên dường như không còn nhiều như trước nữa. Bên cạnh đó, như đã đề cập, vấn đề chính yếu ở đây là chuyên ngành chính của họ không phải là ngoại ngữ, họ học các chuyên ngành khác nhau chẳng hạn như luật, CNTT, kinh tế, dược, toán học, thiết kế thời trang…
Những thách thức đó đòi hỏi sự tương tác độc lập của các bạn sinh viên hay nói cách khác là tính tự chủ trong học tập, và còn hơn thế nữa, họ cần một sự chuẩn bị đầy đủ ngay từ đầu. Nguyễn (2016) khẳng định rằng tự học được coi là một phương pháp tích cực để người học phát huy tối đa tính kỷ luật trong nghiên cứu và khám phá tri thức. Học tập chủ động được coi là chìa khóa quyết định hiệu quả học tập; điều này lại đặc biệt đúng khi nói tới những người học trong chương trình đào tạo đại học tín chỉ. Tự học không chỉ giúp người học nắm vững kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, hình thành thái độ nghề nghiệp đúng đắn mà còn giúp phát triển nhân cách, hình thành thói quen học tập tốt, học nữa học mãi. Vì vậy, tính tự học là vô cùng cần thiết đối với giáo dục đại học, và hơn nữa là đối với con đường nghề nghiệp tương lai của sinh viên sau khi ra trường. Sau cùng, với bài viết này, chúng tôi hướng đến việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tính tự học của sinh viên không thuộc chuyên ngành ngoại ngữ và từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực nhất để giúp họ xây dựng thói quen tự học trong việc học ngoại ngữ hiện nay.
  1. Tự học
    1. Định nghĩa
Tự học luôn là một trong những vấn đề được coi trọng trong giáo dục. Việc học sinh tự học không còn quá xa lạ khi kiến thức trên lớp đôi khi quá nặng, quá nhanh khiến việc học của các em không hiệu quả ngay từ lúc đó, nhất là khi học ngoại ngữ. Vì vậy, chúng ta nên hiểu thế nào là tự học trong việc học ngoại ngữ? Holec xuất bản lần đầu tiên “Quyền tự chủ trong việc học ngoại ngữ” vào năm 1979, trong đó ông định nghĩa tính tự học của người học là “khả năng tự chịu trách nhiệm về việc học của một người” (UKEssays, 2018). Tự học thể hiện tính chủ động, linh hoạt và ý thức cao của người học. Vì vậy, sinh viên càng cần phải học độc lập, tự tìm tòi và học hỏi.
1.2.      Tầm quan trọng của việc tự học trong việc học ngoại ngữ
Bahasin đã nghiên cứu chủ đề này trong năm 2019 và ông đã nói rằng tầm quan trọng của việc tự học là nó mang lại cho một cá nhân cơ hội tham gia vào những trải nghiệm mới sẽ dẫn đến những cơ hội mới. Đây là một hình thức học tập mới trang bị cho mọi người các kỹ năng phù hợp với các hoạt động của sinh viên như khả năng xác định vấn đề và nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả cho bản thân.
Tuy nhiên, đây có thể là một hình thức học tập đầy thách thức ngay cả đối với những học sinh giỏi nhất, vì nó đòi hỏi rất tính kỷ luật rất cao. Theo nghiên cứu của Lê (2013) đã đề cập rằng “những người có tính tự học về bản chất có động cơ để tự chịu trách nhiệm về việc học của họ và phát triển các kỹ năng để tự quản lý”. Vì vậy, việc tự học là quan trọng và cần thiết để phát triển một nền giáo dục hoàn chỉnh và tạo cơ hội cho học sinh phát triển thói quen học tập, kỹ năng quản lý thời gian và tính tự giác.
    1. Tầm quan trọng của tính tự học đối với sinh viên không thuộc chuyên ngành ngoại ngữ
Chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của việc tự học trong phần trước, và nếu chúng ta áp dụng nó vào lĩnh vực học ngoại ngữ thì nó càng quan trọng hơn. Luôn có những lý do thôi thúc mọi sinh viên đại học xây dựng tính tự học khi học bất kỳ một ngôn ngữ nào, và đương nhiên, những người không học chuyên về ngoại ngữ lại càng không phải là một đối tượng ngoại lệ.
Trước hết, Durnali đã tuyên bố trong nghiên cứu của mình vào năm 2020 rằng học tập càng tự định hướng thì càng có nhiều khả năng lãnh đạo bản thân và ngược lại. Người học sẽ đặt mục tiêu rèn luyện, lựa chọn các khóa học và môn học, tìm kiếm tài liệu, thực hành các kỹ năng ngôn ngữ ở nhà hoặc trong lớp, một mình hoặc theo nhóm, v.v. Các sinh viên chuẩn bị cho bài học mới, tích cực phát biểu ý kiến trước lớp, và ôn bài sau tiết học. Một khi họ kiểm soát tốt quá trình này, chứng tỏ rằng họ có thể tự lãnh đạo bản thân và thành công ở chương trình đại học. Vì lý do này, ở nhiều trường đại học trên thế giới, việc sinh viên tự định hướng việc học tập cũng như tự chịu trách nhiệm về việc học của mình đã trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc.
Thứ hai, quá trình học tập độc lập sẽ giúp sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về năng lực ngoại ngữ của bản thân so với những bạn không chủ động trong học tập. Lê (2018) kết luận rằng người học sẽ nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân khi luyện nghe, nói, đọc và viết. Từ đó, họ nghĩ ra những cách tốt hơn để tiếp cận ngôn ngữ và cải thiện bản thân. Sinh viên chuyên ngành toán, y khoa hoặc kinh tế, v.v. có xu hướng cảm thấy rất khó học tiếng Anh, và sau đó họ phải vật lộn với vô số phương pháp trên mạng hoặc từ bạn bè trong khi họ lại chưa đủ xem trọng tính tự giác và chủ động của mình. Vì vậy, đối với những sinh viên không phải chuyên ngành ngoại ngữ, tự học là điều không thể thiếu để xem mình là ai và mình đang ở đâu trong hành trình chinh phục ngoại ngữ đó.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, học ngoại ngữ là một nỗ lực cả đời, vì vậy việc xây dựng tính tự học nên được ưu tiên và cần được duy trì trong suốt cuộc đời (Azizi, 2015). Thực sự, dù không phải là người học ngoại ngữ thì chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chính là công cụ để làm việc và giao tiếp hiệu quả. Chúng ta vẫn cần học tiếng Anh ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học. Điều này là do ngôn ngữ thì luôn cần thực hành liên tục, nếu không bạn sẽ quên nó. Chẳng hạn, chuyện một sinh viên không chuyên Anh quên cách sử dụng câu điều kiện tiếng Anh dù sao cũng là một thực tế phổ biến và dễ hiểu. Vì vậy, học không bao giờ là đủ, và không một người thầy nào ngoài chính chúng ta có thể theo ta suốt đời.
  1. Các nhân tố ảnh hưởng tinh thần tự học của sinh viên không chuyên ngữ
Khả năng tự học của mỗi cá nhân là khác nhau, nó chịu sự ảnh hưởng của cả các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài..
    1. Yếu tố người học – yếu tố bên trong
      1. Chiến lược và mục tiêu học tập
Tính tự học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là chiến lược học tập của người học ngôn ngữ. Chiến lược học ngôn ngữ và tính tự học có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Ông Little (1997) đã chỉ ra rằng người học cần lập ra chiến lược rõ ràng về việc học ngôn ngữ và mục đích sử dụng ngôn ngữ cho nghề nghiệp tương lai để thúc đẩy tính tự chủ học tập của bản thân. Theo như ông Cook (2008), người học thiết lập các bước chiến lược học tập để việc học ngôn ngữ thành công, tự chủ và thú vị hơn. Ngoài ra, khi mối quan hệ giữa tính tự học và chiến lược học tập của sinh viên được nâng cao thì việc học ngôn ngữ sẽ phát huy tính hiệu quả. Trên cơ sở đó, người học cần hiểu những mục tiêu học ngôn ngữ của họ để có một kế hoạch học tập rõ ràng và cố gắng để đạt được thành công. Jamila (2003) cũng nói rằng, người học ngôn ngữ muốn thành công cần đặt ra mục tiêu và cố gắng đạt được mục tiêu đó. Từ đó, sinh viên đại học sẽ có được mục đích học ngôn ngữ chính xác, hiểu các mặt của vấn đề và cách cải thiện nó.
      1. Thái độ học tập
Bên cạnh việc người học cần có chiến lược học tập rõ ràng thì thái độ học tập của họ cũng là điểm then chốt. Ông Holec (1981) đã lập luận rằng, những người có tinh thần tự học cao là những người chịu trách nhiệm về việc học tập của mình. Wenden (1998) đã định nghĩa thái độ học tập là động lực học tập, sự tin tưởng và đánh giá đúng năng lực của bản thân, họ tin bản thân có thể hướng tới những mục tiêu tốt đẹp và tránh được những tiêu cực. Có thể nhận thấy được, thái độ học tập sẽ phản ánh quá trình học tập và khả năng học tập của họ. Trong trường hợp sinh viên nhận thấy rằng họ không có đủ tài năng để học ngôn ngữ thì họ có thể sẽ không có sự nỗ lực để học tập.
      1. Kỹ năng sử dụng công nghệ
Tính tự học của sinh viên cũng liên quan đến khả năng sử dụng công nghệ. Hyun-ju (2014) tuyên bố rằng sinh viên có thể kiểm soát tốt quá trình học tập cũng như có thể trở nên độc lập với giảng viên khi họ làm việc với máy tính. Công nghệ giúp tăng cường khả năng tiếp cận ngôn ngữ mục tiêu của người học và giúp họ có được sự tự do và lựa chọn những gì cần thiết để hỗ trợ cho việc tự học – theo Hamilton, 2013. Thực tế cũng đã chứng minh rằng những sinh viên giỏi công nghệ sẽ có lợi thế tốt hơn nhiều trong việc học ngôn ngữ so với những sinh viên khác.
    1. Các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài
      1. Giảng viên
Không thể phủ nhận rằng nhân tố giảng viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nâng cao tính tự học của sinh viên. Theo ông Dam (1995), giảng viên khuyến khích người học thiết lập các mục tiêu học tập dựa trên những phản hồi đánh giá và sự tự đánh giá của bản thân. Giảng viên cũng chính là người giúp sinh viên hiểu được quá trình học tập của họ. Qua đó người học sẽ có tính kỷ luật cao hơn trong học tập để đạt được thành tựu rõ ràng. Benson (2001) cho rằng điều quan trọng nhất trong việc dạy ngôn ngữ chính là người giáo viên giúp học sinh trở nên tự chủ hơn.
Hơn nữa trong một số trường hợp, giảng viên là nhân tố thúc đẩy tính tự học của sinh viên. Little (1991) nói rằng để nâng cao tính tự học của sinh viên, giảng viên cần đóng các vai trò như nhân tố xúc tác, đưa ra nhận xét, tư vấn, phân tích, điều phối và cố vấn để thúc đẩy quá trình học tập theo nhiều cách khác nhau. Khi hướng dẫn sinh viên, giảng viên cần kiên nhẫn, khoan dung, nhấn mạnh vào những trọng điểm. Hơn hết, để hỗ trợ tính tự học của sinh viên, giáo viên nên coi người học là đối tác của họ để cùng xây dựng mục tiêu chung. Họ thúc đẩy người học bằng cách khuyến khích họ tin vào bản thân và trở nên tự tin hơn. Với vai trò là một người cộng sự, giáo viên giúp người học vượt qua các chướng ngại và khó khăn của bản thân để vươn lên đạt được thành tích mà họ mong muốn.
      1. Các khía cạnh xã hội – gia đình và bạn bè
Gia đình và bạn bè là một trong các khía cạnh xã hội tác động trực tiếp và rất lớn đến tính tự học của sinh viên. Little (1991) đề cập rằng người học mong muốn nhận được sự tương tác để nâng cao được tính tự chủ. Cũng theo Aoki (1991), các yếu tố xã hội tương tác với người học để có thể ở bên cạnh chăm sóc và động viên họ. Sự tương tác này giúp sinh viên thấy rằng họ có bạn bè, người thân luôn bên cạnh và họ không còn thấy cô đơn như khi học một mình. Thực tế, có sự khác biệt lớn trong tính tự học giữa sinh viên đại học sống và không sống cùng cha mẹ. Theo quan điểm này, cha mẹ và bạn bè sẵn sàng dành thời gian quan tâm, giúp đỡ và khuyến khích người học, giúp người học thành công. Mặt khác, khi người học có cơ hội gần gũi và tương tác với những người có tinh thần học tập cao, họ sẽ nhận được những năng lượng tích cực để cải thiện chính bản thân mình.
      1. Môi trường học tập
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tính tự học của người học chính là môi trường học tập của họ. Higg (1988) cho rằng giảng viên cần tạo ra một môi trường học tập tốt và quản lý chúng để tạo điều kiện cho sinh viên học tập một cách độc lập và hiệu quả. Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng môi trường học tập thuận lợi là thật sự cần thiết cho người học. Điều đó có nghĩa là môi trường chính là một khía cạnh quan trọng ảnh hưởng đến các chiến lược học tập và tinh thần tự học của sinh viên (Theo Benson, 2001).
  1. Cách xây dựng tinh thần tự học cho sinh viên không chuyên ngữ trong việc học ngoại ngữ
    1. Người học tự chủ trong việc học ngoại ngữ
      1. Người học xây dựng chiến lược học tập với mục tiêu rõ ràng và kế hoạch cụ thể
Mọi người có những mục tiêu khác nhau khi bắt đầu học ngoại ngữ. Mục đích học ngoại ngữ của người học tốt nghiệp trung học phổ thông có thể là học tập và sinh sống ở nước ngoài, tìm việc làm tốt, cơ sở để nhập học hoặc tốt nghiệp đại học. Xác định đúng mục đích học tập là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong chiến lược. Theo Little (2002), sự tự chủ của người học được thể hiện vì nếu họ xác định được mục tiêu của chính mình và các bước chi tiết, họ sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc học của mình. Họ sẽ luôn cố gắng học tập và đạt được mục tiêu của bản thân.
Việc thành thạo ngoại ngữ khá khó đối với sinh viên không chuyên nên người học cần có chiến lược học tập lâu dài. Đầu tiên người học ghi lại những gì cần đạt được trong một năm, một tháng và một ngày. Ví dụ, một sinh viên muốn đạt được IELTS 6.5 trong năm nay. Cô ấy quyết định dành năm tháng để học tiếng Anh. Ngoài việc học ở trường đại học, cô ấy dành ít nhất bốn giờ để luyện tập các kỹ năng của mình ở nhà. Tiếp theo, người học cần lên kế hoạch học tập trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm. Người học sẽ dành một giờ cho mỗi kỹ năng như nghe, nói, đọc và viết. Cuối cùng, vào cuối ngày, cuối tháng, cuối năm người học sẽ đánh giá xem mình đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm trong kế hoạch. Từ đó, người học rút được kinh nghiệm và đề ra phương hướng phát triển hoặc hoàn thiện trong tương lai.
      1. Người học xây dựng thói quen tự học
Thói quen tự học không dễ hình thành; nó cần phải trải qua một quá trình học tập nghiêm túc. Người học luôn ý thức được mình đã, đang và sẽ làm gì trong quá trình đó. Ví dụ, người học viết ra tên bài học, họ dành bao nhiêu thời gian cho bài học đó. Trong thời gian cụ thể đó, người học thực hành một số kỹ năng ngôn ngữ như nghe, nói, đọc hoặc viết. Tinh thần tự học của sinh viên tăng lên khi họ có ý thức về quá trình học tập của mình (Little, Ridley, & Ushioda, 2003).
      1. Người học nâng cao kỹ năng công nghệ
Bên cạnh việc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, người học cần phát triển các kỹ năng công nghệ hỗ trợ tích cực cho quá trình học ngoại ngữ. Khi người học sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ, việc học của họ sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn gấp nhiều lần (Hyun-Ju, 2014). Cụ thể, trong việc luyện nghe, nếu người học có máy tính thì có thể luyện nghe thêm ở nhà. Họ cũng có thể tìm thấy các trang web hữu ích và thú vị giúp họ cải thiện kỹ năng viết và nói. Người học nên có máy tính kết nối internet để việc tự học hiệu quả và sinh động hơn.
    1. Giảng viên xây dựng tinh thần tự học cho sinh viên
“Học sinh có trách nhiệm với việc học của mình nhưng đội ngũ giảng viên có trách nhiệm hơn trong một lớp học truyền thống” (Lacey, 2007). Giảng viên ra đề, bài tập, sau đó định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ người học tự học ở nhà theo hình thức làm việc cá nhân, việc nhóm. Điều này cho phép sinh viên tự làm việc để giải quyết vấn đề với sự hướng dẫn và kiểm soát của giảng viên. Khi đó tinh thần tự học sẽ được thể hiện rõ ràng nhất có thể. Ngoài ra, giảng viên còn mang đến cho học viên những tiết học sinh động, thú vị, đáp ứng được nhu cầu học tập của học viên. Người học cần tham gia vào các cuộc thảo luận thú vị nơi mà giảng viên của họ và các sinh viên khác trong lớp học thực hiện niềm đam mê học ngoại ngữ. Giảng viên tổ chức các buổi nói chuyện với các chủ đề thú vị cho sinh viên như tình yêu, gia đình, du lịch, và những chủ đề tương tự.
    1. Gia đình và bạn bè giúp người học xây dựng tinh thần tự học trong việc học ngoại ngữ
Aoki (1999) cho rằng sự tự chủ của người học được phát triển nếu cha mẹ của họ động viên họ. Sinh viên sống trong một gia đình có tinh thần học tập tốt, có bạn bè cũng say mê học tập thì đó là điều kiện tốt để người học tập trung vào việc học của mình thay vì những trò chơi vui vẻ, giải trí cũng như tụ tập vui chơi, ăn uống. Gia đình cũng nên tạo không gian yên tĩnh để người học tập trung học tập trong quá trình tự học. Cha mẹ nên dẫn lối cho con cái kết bạn với những người chăm chỉ và luôn muốn giúp đỡ bạn bè trong học tập.
Hầu hết sinh viên đại học sống xa nhà. Họ sống với bạn bè của họ, do đó tinh thần tự học của họ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi bạn cùng phòng. Vì vậy, cách tốt nhất là họ cùng nhau học tập, cùng nhau rèn luyện, thậm chí giúp đỡ và tìm ra lỗi sai cho nhau. Nếu họ là những người bạn đồng hành tốt, kết quả sẽ như mong đợi. Nếu không, họ cũng không nên làm phiền khi bạn bè đang tập trung học.
    1. Tinh thần tự học của sinh viên được phát triển trong một môi trường học tập tốt
Giảng viên tạo ra một môi trường học tập tích cực để thúc đẩy tinh thần tự học của sinh viên ở trường (Higgs, 1988). Ví dụ, họ thảo luận nhóm, nói chuyện bằng ngoại ngữ mà họ đang học, cũng như các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động phải đa dạng về hình thức và nội dung để khuyến khích tinh thần học tập và lòng say mê học ngoại ngữ của sinh viên. Hơn nữa, các trường đại học và các khoa cũng nên tổ chức các cuộc thi bằng ngoại ngữ mà sinh viên đang theo học để tạo cơ hội cho họ phát huy các kỹ năng của mình.
Phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình có không gian yên tĩnh, góp phần không bị gián đoạn, mất hứng thú trong quá trình tự học ở nhà. Phụ huynh nên xem lại kế hoạch học tập của con em mình để các hoạt động chung trong gia đình không trùng với giờ học của con. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể đóng vai trò là người bạn đồng hành cùng con học tập.

Kết luận

Nhìn chung, tính tự học của sinh viên đại học là một yêu cầu thiết yếu và đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi sinh viên theo học hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Kết quả và thành tích học tập dựa trên chính khả năng tự học của sinh viên. Tuy nhiên, tính tự học của sinh viên còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại quan như môi trường học tập, giảng viên, cha mẹ, bạn bè; những yếu tố này giúp cải thiện kiến thức, từ vựng và khả năng tiếng Anh của sinh viên. Ngoài ra, bản thân người học cũng chính là yếu tố quan trọng nhất. Người học cần hiều rõ mục tiêu học ngôn ngữ và tầm quan trọng của tiếng Anh cho tương lai. Từ đó, sinh viên sẽ tự thúc đẩy tính tự học để cải thiện trình độ tiếng Anh của bản thân. Sinh viên cần nên nhớ rằng, khi tinh thần tự học của họ càng lớn thì họ càng có nhiều khả năng để đạt được thành công cao trong việc học ngôn ngữ.
 

Tài liệu tham khảo

Aoki, N. (1999). Affect and the role of teachers in the development of learner autonomy. In J. Arnold, (Ed.), Affect in language learning (pp. 142-154). Cambridge, UK: Cambridge University Press.
Azizi, S. (2015). Iranian EFL learners’ perception of autonomous language learning in language classrooms. Journal of Studies in Learning and Teaching English4(1), 129-144.
Bahasin, H. (2019) what is the importance of learning? Retrieved Sept 26,2021 from https://www.marketing91.com/importance-of-learning/
Benson, P. (2001). Teaching and Researching Autonomy in Language Learning. Essex: Pearson Education.
Cook, V.(2008). Second Language Learning and Language Teaching. London: Hodder Education.
Dam, L. (1995). Learner autonomy: From theory to classroom practice. Dublin: Authentik.
Durnali, M. (2020). The effect of Self-Directed Learning on the relationship between Self-Leadership and Online Learning among university students in Turkey. Tuning Journal for Higher Education, 8(1), 129–165. https://doi.org/10.18543/tjhe-8(1)-2020pp129-165
Hamilton, M. (2013). Autonomy and Foreign Language Learning in a Virtual Learning Environment. London: Bloomsbury Academic Publishing.
Higgs, J. (1988). Planning Learning Experiences to Promote Autonomous Learning. New York: Nichols Publishing Company.
Holec, H. (1981) Autonomy and foreign language learning. Oxford: Pergamon.
Hyun-Ju, K. (2014). The Use of Technology for Learner Autonomy in Language Classrooms. Retrieved from https://www.itbe.org/v_newsletters/article_23358209.htm
Jamila, M. (2013). Use of Learner Autonomy in Teaching Speaking by Tertiary Level English Language Teachers in Private Universities of Bangladesh. IOSR Journal of Humanities and Social Science (IOSR-JHSS).
Lacey, F. (2007). Autonomy, never, never, never. Independence, 42, 4–8.
Le, Q. X. (2013). British Library EThOS: Fostering learner autonomy in language learning in tertiary education: an intervention study of university students in Hochiminh City, Vietnam. Retrieved October 3, 2021, from https://ethos.bl.uk/OrderDetails.do?did=1&uin=uk.bl.ethos.580255
Le, T. N. A. (2018). EFL STUDENTS’ VOICES ON LEARNER AUTONOMY AT A UNIVERSITY IN THE MEKONG DELTA. VNU Journal of Foreign Studies, 34(2). https://doi.org/10.25073/2525-2445/vnufs.4244
Little, D. (1991). Learner autonomy: Definitions, issues and problems. Dublin: Authentik.
Little, D. (1997). Language awareness and the autonomous language learner. Language Awareness, 6(2/3), 93-104.
Little, D., Ridley, J., & Ushioda, E. (2002). Towards greater learner autonomy in the foreign language classroom. Dublin: Authentik.
Little, D., Ridley, J., & Ushioda, E. (Eds.). (2003). Learner autonomy in the foreign language classroom: Teacher, learner, curriculum and assessment. Dublin: Authentik.
Nguyen, C. T. N., & Nguyen, T. T. (2020). Non-Language-Major Students’ Autonomy in Learning English in Vietnam. Arab World English Journal, 11(3), 184–192. https://doi.org/10.24093/awej/vol11no3.11
Nguyen, L. T. C. (2009). Learner autonomy and EFL learning at the tertiary level in Vietnam. (PhD thesis). Victoria University of Wellington, Wellington, New Zealand. Retrieved from http://researcharchive.vuw.ac.nz/handle/10063/1203
Nguyen, S. V., & Habók, A. (2020). Non-English-Major Students’ Perceptions of Learner Autonomy and Factors Influencing Learner Autonomy in Vietnam. Relay Journal, 122–139. https://doi.org/10.37237/relay/030110
Nguyen, T. (2016). The role and influence of lecturers on the self-study process of non-formal students. Retrieved from https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-thuong-xuyen/Pages/Default.aspx?ItemID=4335
UKEssays. (November 2018). Definition of Learner Autonomy. Retrieved from https://www.ukessays.com/essays/education/definition-of-learner-autonomy-education-essay.php?vref=1
Wenden, A. (1998). Learner Strategies for Learner Autonomy. Hertfordshire: Prentice Hall.
 

ĐIỀN THÔNG TIN ĐĂNG KÝ HỌC VÀ HỌC BỔNG